Bài 9. Cấu trúc và các quy tắc của một dự án Android

Như vậy tới đây các bạn đã thực sự rành cách sử dụng cộng cụ Android Studio rồi, ở bài này Tui sẽ nói chi tiết hơn về cấu trúc của một dự án Android. Từ cấu hình AndroidManifest cấp quyền đọc trộm tin nhắn, đọc dữ liệu trong SDCard, tới các quy tắc đặt tên file, cấu hình màn hình chạy đâu tiên, cách thức thêm thư viện biên dịch….

Các bạn mở lại dự án thần thánh “HelloWorld” nhé.

  • AndroidManifest: Tập tin rất quan trọng, dùng để thiết lập các quyền, Activity, Service, BroadCast Receiver… cho ứng dụng
  • Các file mã nguồn: Tất cả các lớp, Activity, Service, …. xử lý nghiệp vụ người dùng đều nằm trong này
  • Các XML Giao diện: Tất cả các giao diện đều nằm trong mục layout này. Android Studio tách riêng một màn hình tương tác thành Mã lệnh và giao diện riêng.
  • Các Hình ảnh, Xml Resource: Ta có thể đưa hình ảnh vào ứng dụng thông qua hai thư mục drawable và mipmap
  • Các Values: Nơi để ta tạo các tài nguyên như chuỗi, màu, độ phân giải…
  • Cấu hình biên dịch: Build.gradle giúp ta hiệu chỉnh các thông số khi biên dịch phần mềm, cho phép nhúng các thư viện bên ngoài vào ứng dụng…

Ta xem file AndroidManifest.xml:

[code language=”xml”]
<?xml version="1.0" encoding="utf-8"?>
<manifest xmlns:android="http://schemas.android.com/apk/res/android"
package="tranduythanh.com.helloworld">

<application
android:allowBackup="true"
android:icon="@mipmap/ic_launcher"
android:label="@string/app_name"
android:roundIcon="@mipmap/ic_launcher_round"
android:supportsRtl="true"
android:theme="@style/AppTheme">
<activity android:name=".MainActivity">
<intent-filter>
<action android:name="android.intent.action.MAIN" />

<category android:name="android.intent.category.LAUNCHER" />
</intent-filter>
</activity>
</application>

</manifest>
[/code]

Ta lưu ý mọi màn hình (Activity) khi được tạo mới thì nó phải được khai báo ở đây, và Activity nào có cấu trúc như trên (MainActivity) thì nó sẽ được kích hoạt chạy lên khi phần mềm được cài vào thiết bị.

Android cho phép nhiều Activity cùng cấu hình là Main Launcher, khi cái vào nó sẽ tạo ra nhiều short cut trong thiết bị tương ứng với từng màn hình.

Khi chúng ta thêm 1 Activity trong phần mềm, thì Activity này sẽ tự động được đưa vào file AndroidManifest.

Để cấp quyền sử dụng cũng như khai thác các tài nguyên phần cứng, ta cũng phải khai báo trong này. Ví dụ muốn cho phần mềm được phép nghe nghe và đọc trộm tin nhắn, muốn cho phần mềm lấy dữ liệu trong SD Card thì cấu hình như sau:

[code language=”xml”]
<?xml version="1.0" encoding="utf-8"?>
<manifest xmlns:android="http://schemas.android.com/apk/res/android"
package="tranduythanh.com.helloworld">
<uses-permission android:name="android.permission.RECEIVE_SMS"/>
<uses-permission android:name="android.permission.READ_SMS"/>
<uses-permission android:name="android.permission.READ_EXTERNAL_STORAGE"/>
<application
android:allowBackup="true"
android:icon="@mipmap/ic_launcher"
android:label="@string/app_name"
android:roundIcon="@mipmap/ic_launcher_round"
android:supportsRtl="true"
android:theme="@style/AppTheme">
<activity android:name=".MainActivity">
<intent-filter>
<action android:name="android.intent.action.MAIN" />

<category android:name="android.intent.category.LAUNCHER" />
</intent-filter>
</activity>
</application>

</manifest>
[/code]

Ở trên ta thấy lệnh uses-permission dùng để cấp quyền sử dụng. Ta lưu ý là từ version Android 6.0, Google đã tăng mức bảo mật. Cho dù cấp quyền chỗ này thì cũng phải thêm 1 bước bảo mật nữa, đó là người dùng phải cấp quyền sử dụng trong thiết bị (vá lỗ hổng bảo mật). Do đó thường khi coding mà chạy lên thì nó báo lỗi hoặc làm thinh, khi nào cấp quyền thì sẽ thực hiện được (Tui sẽ nói chi tiết hơn ở chỗ cấp quyền trong các bài lấy dữ liệu từ thiết bị). Còn khi người dùng tải app từ Google Play thì Google cũng có bước hỏi là Phần mềm này có sử dụng các quyền sau, có thể gây mất tiền, bạn có chắn chắn muốn sử dụng không…. và người dùng thường không đọc cho OK hết. Cấp càng nhiều quyền thì càng nhanh hết Pin thôi. Các phần mềm như Zalo, Facebook Messenger, Facetime, Tango… đều là các phần mềm thu thập dữ liệu người dùng cả, chúng đều có chức năng đọc và lấy toàn bộ danh bạ trong thiết bị của bạn, đọc tin nhắn, đọc hình ảnh, truy suất tài nguyên trong thiết bị…. được lưu lên server của họ. Các phần mềm chính thống có cam kết riêng tư thì không sao, nhưng nhiều phần mềm trôi nổi sẽ tấn công bạn. Ngay cả Facebook đó thôi, 1 hãng lớn cam kết là không xâm phạm riêng tư, thì cuối cùng cũng xác nhận là có đọc trộm thông tin bí mật của khách hàng.

Dưới đây là minh họa khi có thêm một màn hình mới, thì Activity này sẽ tự động được khai báo trong AndroidManifest (Bạn không được phép xóa, xóa là lỗi ngay):

Bấm chuột phải vào Package/ chọn New/ chọn Activity/ chọn Empty Activity

Đặt tên là WelcomeActivity (lưu ý các màn hình thì phải luôn có Activity đằng sau nha), nhấn Finish để tạo:

Ta thấy nó tự đưa vào trong AndroidManifest.

Giả sử bây giờ ta muốn WelcomeActivity sẽ được kích hoạt chạy đầu tiên khi phần mềm được cài vào được thoại. Ta cấu hình như sau:

[code language=”xml”]
<?xml version="1.0" encoding="utf-8"?>
<manifest xmlns:android="http://schemas.android.com/apk/res/android"
package="tranduythanh.com.helloworld">

<uses-permission android:name="android.permission.RECEIVE_SMS" />
<uses-permission android:name="android.permission.READ_SMS" />
<uses-permission android:name="android.permission.READ_EXTERNAL_STORAGE" />

<application
android:allowBackup="true"
android:icon="@mipmap/ic_launcher"
android:label="@string/app_name"
android:roundIcon="@mipmap/ic_launcher_round"
android:supportsRtl="true"
android:theme="@style/AppTheme">
<activity android:name=".WelcomeActivity">
<intent-filter>
<action android:name="android.intent.action.MAIN" />

<category android:name="android.intent.category.LAUNCHER" />
</intent-filter>
</activity>
<activity android:name=".MainActivity">

</activity>
</application>

</manifest>
[/code]

Ta thấy đó, chỉ việc CUT intent-filte trong MainActivity chuyển lên cho Welcome là được:

[code language=”xml”]
<intent-filter>
<action android:name="android.intent.action.MAIN" />

<category android:name="android.intent.category.LAUNCHER" />
</intent-filter>
[/code]

Nếu mà cả Welcome và MainActivity cùng có cùng cấu trúc intent-filter như trên thì làm sao? Thì khi cài vào, điện thoại sẽ mở luôn 2 màn hình này, và  2 màn hình này cũng có Icon trên HomScreen của điện thoại.

Nói thêm về thư mục drawable:

Thư mục này sẽ chưa hình ảnh, tài nguyên xml để làm các việc như làm background, làm animation cho phần mềm.

Khi đưa hình ảnh hay file xml vào drawable thì phải đặt theo quy tắc của tên biến: Không được In Hoa ký tự đầu, không có khoảng trắng, không dùng dấu Tiếng Việt, không chứ số đằng trước…

Và nó tương tự cho thư mục mipmap nhé.

Tiếp theo vào thư mục values/colors.xml:

Trước mặt chúng ta là bảng màu. Ta có thể định nghĩa màu như sau:

[code language=”xml”]
<?xml version="1.0" encoding="utf-8"?>
<resources>
<color name="colorPrimary">#6200EE</color>
<color name="colorPrimaryDark">#3700B3</color>
<color name="colorAccent">#03DAC5</color>
<color name="maudo">#b90702</color>
</resources>
[/code]

Ở trên Tui có dùng biến tên là “maudo

Các bạn là dân Amater đồ họa thì dùng https://www.color-hex.com/ cho lẹ để lấy màu.

ở trên ta tham chiếu tới sài.

Tương tự cho strings.xml:

[code language=”xml”]
<resources>
<string name="app_name">HelloWorld</string>
<string name="hello">Xin chào Thầy Trần Duy Thanh</string>
</resources>
[/code]

dùng biến “hello”:

Kết quả:

Tiếp tục vào phần build.gradle (Module):

Ở đây có:

compileSdkVersion -> API để biên dịch

minSdkVersion-> API tối thiểu mà điện thoại khách hàng phải có

targetSdkVersion->API mà ta mong muốn khách hàng có version y chang như ta cấu hình trong dự án.

Cụ thể:

minSdkVersion là 26. Thì điện thoại khách hàng phải tối thiểu là 26. Còn 25 trở xuống là không có cài đặt được phần mềm, ngay bản thân Google Play nó cũng tự filter không cho khách hàng nhìn thấy phần mềm của ta.

targetSdkVersion là 29 (thường nó bằng compileSdkVersion ): Ta mong muốn rằng phần mềm này chỉ có thể chạy tốt nhất khi điện thoại khách hàng có version là 29. Điều có có nghĩa là gì? nếu điện thoại khách hàng là 30 đi, thì vẫn chạy được (do 30 lớn hơn min 26). Nhưng cái ta cần target tới là 29.

Nếu có sự thay đổi cấu hình gì trong này thì nhớ bấm Sync Now.

Ngoài ra nó còn có nhiều cấu hình khác, khi nào gặp thì Tui nói thêm

Như vậy tới đây bạn đã rành hơn về cấu trúc của một dự án Android rồi nhé

Bài sau ta bắt đầu vào học các Control cơ bản!

Các bạn chú ý theo dõi nhé

Chúc các bạn thành công!

Bài 8. Cách sử dụng Android Studio phiên bản 2020

Với Android Studio phiên bản 2020 có một số thay đổi về mặt bố trí giao diện thiết kế. Ở trong dự án thần thánh “HelloWorld” Tui cũng đã nói sơ cách tạo Dự án, ý nghĩa một số thành phần rồi, Tuy nhiên nó mới chỉ là sơ bộ để các bạn nhanh chóng hiểu cách tạo dự án, chạy máy ảo, chạy máy thật, Ánh xạ điện thoại thật vào máy tính….. Trong bài này Tui sẽ tiếp tục trình bày chi tiết hơn công cụ lập trình Android Studio phiên bản 2020, cụ thể Tui sẽ nói các phần sau:

8.1. Các cấu hình quan trọng trong Android Studio
8.1.1. AVD Manager
8.1.2. SDK Manager
8.1.3. Setting
8.1.4. Default Project Structer
8.1.5. Check for Update
8.2. Các chức năng thường dùng
8.2.1. Tạo dự án mới
8.2.2. Mở dự án cũ
8.2.3. Import dự án từ Eclipse
8.3. Các màn hình quan trọng thường thao tác
8.3.1. Màn hình Project và cách thay đổi layout quan sát
8.3.2. Màn hình thiết kế giao diện
8.3.3. Màn hình thanh công cụ Palette
8.3.4. Màn hình Component Tree
8.3.5. Màn hình Atrributes
8.3.6. Màn hình Logcat
8.3.7. Màn hình Device Explore
8.4. Các menu và toolbar quan trọng thường thao tác
8.4.1. Các menu thường dùng
8.4.2. Các toolbar thường dùng

Chi tiết:

8.1. Các cấu hình quan trọng trong Android Studio

Công cụ Android Studio có một số cấu hình quan trọng mà chúng ta cần phải biết để giúp ích cho việc quản lý phiên bản Android SDK, cấu hình JDK, plug in… Google có gom nhóm trong “Configure” ở cuối màn hình Welcome (và nó cũng tồn tại trong các Menu lúc ta mở 1 Project):

    8.1.1. AVD Manager

AVD Manager là chức năng cho phép ta cấu hình tạo điện thoại giả lập .

Chi tiết cách sử dụng AVD Manager, các bạn xem trong Bài 3. Cách tạo Điện thoại giả Lập trong Android Studio  nhé

  8.1.2. SDK Manager

Chức năng SDK Manager cho phép ta quản lý phiên bản Android SDK, việc này rất quan trọng vì trong quá trình triển khai dự án Android ta phải kiểm thử trên nhiều dòng máy và trên nhiều phiên bản khác nhau. Từ màn hình khởi động ta chọn Configure->SDK Manager:

Sau khi chọn SDK Manager, Màn hình Android SDK sẽ hiển thị như bên dưới:

Trong màn hình Android SDK Manager chương trình liệt kê ra danh sách các phiên bản Android, ta cần kiểm tra trên phiên bản nào thì ta CHECKED vào để cài đặt phiên bản đó. Google thường đề nghị ta cập nhật phiên bản mới nhất nếu có.

Chỗ này cũng cho phép ta đổi lại nơi lưu trữ Android SDK.

8.1.3. Setting

Màn hình Setting dùng để cấu hình toàn bộ các thành phần liên trong công cụ Android Studio: Cấu hình Appearance & Behavior, keymap, Editor, plug in, build, execution, tools…kể cả SDK Manager. Mọi vấn đề liên quan tới các cấu hình ta vào mục Setting này để làm việc. Từ màn hình khởi động ta chọn Settings:

Sau khi chọn Setttings, màn hình Default Settings sẽ hiển thị ra dưới đây, ta tiến hành lựa chọn các cấu hình theo ý muốn:

Ta có thể chỉnh màu chữ, cỡ chũ, biên dịch thực thi, tất tần tạt trong này.

Sau khi đổi cấu hình xong thì nhớ nhấn nút OK để Android Studio thiết lập lại cho bạn.

8.1.4. Default Project Structer

Project Structer là màn hình cho phép ta lựa chọn đường dẫn cài đặt JDK và Android SDK. Màn hình này rất quan trọng, nếu chỉ định không đúng nơi cài đặt JDK và Android SDK thì không thể chạy được ứng dụng Android. Đôi khi di chuyển dự án Android từ máy này qua máy khác mà đường dẫn khác nhau, do đó ta phải vào đây để chỉnh lại.

Chương trình sẽ hiển thị màn hình Project Structer như hình dưới đây:

Ta chọn nơi đã cài đặt JDK và Android SDK… một cách chính xác rồi nhấn OK.

    8.1.5. Check for Update

Chức năng Check for Update được sử dụng để kiểm tra phiên bản Android Studio mới do Google phát triển. Từ màn hình khởi động ta chọn “Check for Update”:

Sau khi chọn, màn hình Checking for Updates sẽ xuất hiện như dưới đây, nếu có phiên bản mới sẽ tiến hành tải về máy (dưới đây là hình minh họa các bước, bạn đừng quan tâm bên trong là version nào):

Sau khi chương trình tải hết các phiên bản mới về máy thì màn hình “Platform and Plug in Updates” xuất hiện, ta bấm “Update and Restart”:

Sau khi bấm “Update and Restart”, chương trình sẽ tiến hành cài đặt:

Ta chờ chương trình cập nhật mới xong, Android Studio sẽ khởi động lại. Lúc này màn hình Complete Installation sẽ xuât hiện, ta chọn mục “I want to import my settings from a previous version…” nếu muốn lấy từ version cũ qua, con không muốn lấy gì cả thì chọn “I do not have a previous version of Studio….” rồi bấm OK:

Sau khi bấm OK, chương trình sẽ tiến hành mở màn hình khởi động của Android với phiên bản mới nhất mà ta vừa cập nhật.

Ngoài ra Ta còn có thể chỉnh lại cách thức tải các loại phiên bản, lúc chọn “Check UpDate”, trong màn hình bên dưới nó có nút “Configure” (kể cả màn hìn báo cáo phiên bản mới cũng có nút này nha, xem hình trên), ta nhấn vào nó:

Sau khi nhấn Configure:   Màn hình cấu hình cách thức update sẽ xuất hiện như dưới đây:

Android Studio đưa ra 4 cách thức loại chọn:

Canary Channel-> coi như là đang R&D

Dev Channel -> bản đang Dev lỗi um sùm

Beta Channel -> Cũng đang chạy thử, lỗi um sùm

Stable Channel -> Phiên bản đã chạy ổn định

Thường các Công ty sẽ chọn cái cuối cùng “Stable Channel”. Còn dân nghiên cứu thì nên chọn Canary để cầm đèn chạy trước xe bò, có cái gì mới thì nghiên cứu trước (nhưng nguy hiểm vì lỡ nó bỏ luôn thì mất công, nhưng với Google thì hiếm khi). Nên nếu ai chọn An toàn thì chọn Stable Channel. Còn Tui thì chọn Canary Channel. Khoảng thời giãn giữa các loại này khá nhiều.

Sau khi chọn xong thì bấm OK.

8.2. Các chức năng thường dùng

8.2.1. Tạo dự án mới

Đã trình bày kỹ trong Bài 2. Cách tạo dự án trong Android Studio phiên bản năm 2020

8.2.2. Mở dự án cũ

Thao tác mở dự án cũ được sử dụng rất nhiều lần trong quá trình lập trình Android, để mở dự án cũ ta có thể nhấn trực tiếp vào danh sách dự án liệt kê trong mục Recently bên trái màn hình (1) hoặc bấm vào “Open an existing android Studio project” (2):

Khi chọn dự án từ mục Recently thì Android Studio tự động mở dự án này lên, khi chọn “Open an existing Android Studio project” cửa sổ chọn dự án cũ xuất hiện:

Ta chọn dự án cũ mong muốn rồi bấm OK, lúc này Android Studio sẽ tiến hành mở lại dự án này cho ta.

8.2.3. Import dự án từ Eclipse

Vì Android Studio mới được phát triển gần đây, do đó rất nhiều dự án trước kia được xây dựng bằng công cụ Eclipse, Google đã hỗ trợ chức năng import dự án từ Eclipse vào Android Studio bằng cách nhấn “Import project (Eclipse ADT, Gradle, etc.)”:

8.3. Các màn hình quan trọng thường thao tác

Android Studio có rất nhiều màn hình thao tác, Tui liệt kê một số màn hình quan trọng thường dùng như: Xem cấu trúc Project, thiết kế giao diện, Palette, component tree, properties và Logcat….

  8.3.1. Màn hình Project và cách thay đổi layout quan sát

Trong một dự án Android Studio có rất nhiều chế độ quan sát cấu trúc, để thay đổi ta nhấn vào mục khoanh tròn rồi lựa chọn các kiểu quan sát:

Mỗi layout quan sát thì cấu trúc Project sẽ hiển thị khác nhau, nhưng ta sử dụng nhiều nhất vẫn là chế độ Android, dưới đây là ví dụ một số loại layout quan sát (lần lượt: Project, Packages, Project Files, Android ):

Ta thường chọn loại hiển thị là “Android

8.3.2. Màn hình thiết kế giao diện

Màn hình thiết kế giao diện trong Android Studio được sử dụng rất nhiều, Các mục chính trong phần này gồm:

Code, Split, Design: Đây là Ba chỗ được dùng để thiết kế giao diện cho ứng dụng, phần Design để thiết kế giao diện bằng kéo thả, phần code dùng để thiết kế bằng mã XML, phần Split để vừa thấy code XML vừa thấy giao diện chạy theo.

Ta đã biết một màn hình tương tác người dùng trong Android gồm có hai phần (xử lý sự kiện và phần giao diện), hai thành phần này lúc tạo sẽ tự động được tách ra làm hai tập tin (MainActivity.java và activity_main.xml):

Mặc định phần Design của màn hình thiết kế(activity_main.xml) sẽ hiển thị khi ta tạo một dự án, ta có thể kéo thả trực tiếp các control từ thanh Palette vào đây:

Trước mặt chúng ta mặc định là mục “Design”, ta có thể kéo thả các control trong Palette vào giao diện.

Nhấn vào “Code” để thiết kế giao diện bằng cách viết lệnh XML:

Ta có thiết viết XML để tạo giao diện

Ngoài ra khi bấm vào “Split”, ta sẽ viết code XML vừa thấy giao diện:

Chế độ hiển thị điện thoại: Android Studio cung cấp cho ta màn hình điện thoại để thiết kế:

Chọn Design: Ra mỗi khung trắng để kéo thả control

Chọn BluePrint: Ra khung xanh xem cấu trúc

Chọn Design & BluePrint: Xem cả khung trắng cả khung xanh

Ở màn hình trên ta có thể xoay đứng màn hình (Portrait), xoay ngang màn hình (Landspace).

Đổi độ dòng máy để test thử:

Đổi phiên bản API: Khi thay đổi biên dịch phân mềm với phiên bản Android SDK nào thì ta chọn API đó.

Đổi Theme: Android Studio cho phép ta đổi Theme điện thoại tùy theo nhu cầu sử dụng, để đổi Theme ta chọn AppTheme:

Khi chọn AppTheme, Android Studio sẽ hiển thị màn hình danh sách các Theme cho phép ta thay đổi:

Phóng to, thu nhỏ, di chuyển giao diện: Trong quá trình thiết kế giao diện, việc phóng to thu nhỏ màn hình rất tiện lợi cho lập trình viên:

8.3.3. Màn hình thanh công cụ Palette

Công cụ Palette cho phép ta kéo thả các control vào màn hình thiết kế của điện thoại:

Android Studio phân nhóm các loại control giúp ta dễ dàng chọn lựa kéo thả ra màn hình thiết kế: commond (textview, button…), Text (TextView, Edittext…), Text(Edittext, Password…), Layout(LinearLayout, FrameLayout…)

Để kéo thả Control ra màn hình điện thoại ta chỉ cần chọn một control bất kỳ nào đó trong Palette rồi nhấn chuột kéo trực tiếp vào màn hình điện thoại màu trắng sau đó nhả chuột ra.

8.3.4. Màn hình Component Tree

Màn hình Component Tree giúp ta quan sát được cấu trúc của các control kéo thả trên giao diện, hỗ trợ rất tốt cho việc điều chỉnh thiết kế:

Đặc biệt ta cũng có thể kéo thả control trực tiếp vào Component Tree để thiết kế giao diện.

8.3.5. Màn hình Attributes

Màn hình Attributesrất quan trọng, được sử dụng thường xuyên trong quá trình thiết lập các trạng thái cho control trên giao diện (đặt Id, độ rộng, độ cao, font chữ, vị trí….):

 8.3.6. Màn hình Logcat

Màn hình Logcat rất quan trọng cho lập trình viên trong quá trình theo dõi lỗi phát sinh khi chạy phần mềm, dựa vào các mô tả chi tiết lỗi trong Logcat mà ta có thể dễ dàng tìm ra các giải pháp để sửa lỗi một cách nhanh chóng. Ta quan sát dưới cùng màn hình Android Studio có mục Android Monitor, ta chọn mục này để xuất hiện màn hình Logcat:

 8.3.7. Màn hình Device Explore

Màn hình để ta tương tác vào cấu trúc bên trong của thiết bị:

8.4. Các menu và toolbar quan trọng thường thao tác

8.4.1. Các menu thường dùng

Android Studio cung cấp rất nhiều menu hỗ trợ đắc lực cho lập trình viên, giáo trình giới thiệu một số menu chính yếu:

Menu Tool/Android: Dùng để cấu hình máy ảo, SDK, ADB, Layout inspector, Theme Editor, Firebase…

Menu Build: Cho phép ta lựa chọn các thức biên dịch ứng dụng

Clean Project: Xóa các biên dịch trước đó

Rebuild Project: Build lại ứng dụng

Build Bundle(s)/APK(s): Build ứng dụng ra tập tin apk để thử nghiệm

Generate Signed Bundle/APK: Build ứng dụng và xác thực apk để đưa lên Google Play

Menu Run: Dùng để biện dịch và chạy ứng dụng lên thiết bị

Trong quá trình viết phần mềm, để thử nghiệm gỡ lỗi từng bước ta chọn Debug, để chạy luôn ứng dụng ta chọn Run.

8.4.2. Các toolbar thường dùng

Android Studio cung cấp các lệnh trong toolbar rất hữu ích,  giúp ta nhanh chóng truy suất tới các chức năng trong phần mềm.

Như vậy Tui đã hướng dẫn xong Cách sử dụng Android Studio phiên bản 2020

Các bạn nhứo xem kỹ để dễ thao tác sau nay nhé

Bài sau Tui sẽ nói về Cấu trúc của một dự án Android để chúng ta có thêm hiểu biết ý nghĩa của từng hạng mục

Các bạn chú ý theo dõi nhé

Chúc các bạn thành công.

 

 

Bài 7. Cách cài Vysor – phần mềm Ánh xạ điện thoại vào máy tính

Như vậy các bạn đã xong 6 bài học, 6 bài này các bạn đã biết cách sử dụng Android Studio, biết cách tạo dự án, tạo máy ảo, cấu hình máy thật. Chạy sương sương được 1 phần mềm lên thiết bị. Vậy cũng OK rồi.

Tiếp nối các bài đó, Tui hướng dẫn thêm cách sử dụng phần mềm Vysor để nó Ánh xạ điện thoại thật của bạn và Máy vi tính của bạn. Nó rất tiện lợi cho Giảng Viên trình chiếu giảng dạy, các bạn Sinh Viên trình chiếu báo cáo đồ án, các team work làm việc nhóm, triển khai dự án.

Phần mềm Vysor rất hay, nó cho phép chúng ta tương tác 2 chiều. Có thể từ Vysor trong máy tính điều khiển điện thoại và ngược lại.

Bước 1: Vào https://www.vysor.io/

Bước 2: Chọn phiên bản để download:

Nhấn Download, chương trình sẽ hỏi phiên bản cài đặt:

Máy tính bạn dùng hệ điều hành nào thì tải bản tương ứng nhé.

Của Tui là Windows nên Tui chọn “Windows” để tải, nó ra file “Vysor-win32-ia32.exe”

 

Nhấn Save để tải về nhé.

Tải xong thì bấm vào nó để cài đặt nhé, vô cùng đơn giản, bấm rồi chờ xíu là xong, Vysor chạy lên và ta sẽ thấy các thiết bị điện thoại sẽ được hiển thị như hình bên dưới, dĩ nhiên là chỉ điệnt hoại nào đã cấu hình USB Debugging nhé, đọc hướng dẫn tại đây.

Ta muốn Ánh xạ điện thoại nào vào máy tính thì chọn View ở thiết bị đó, kết quả:

Tới đây ta có thể điều khiển điện thoại ngay trên Máy tính của mình, có thể trình chiếu… rất hay.

Xem màn hình toàn cảnh:

Như vậy Tui đã hướng dẫn xong cách sử dụng Vysor để Ánh xạ điện thoại vào máy tính, các Bạn dùng tool này để dạy học, để báo cáo đồ án, để báo cáo dự án…. Và trong quá trình học các bài Tui hướng dẫn, nếu có điện thoại thật thì dùng luôn, chạy phần mềm lên điện thoại thật để test cho nó truất!

Bài học sau Tui sẽ quay lại vấn đề sử dụng Android Studio để tiếp tục các bài lập mang âm hưởng kỹ thuật trình Android.

Các bạn chú ý theo dõi nhé!

Chúc các bạn thành công!

Bài 6. Cách chạy một dự án Android trên điện thoại thật

bài 5 các bạn đã được học cách chạy một phần mềm trong Android Studio lên Điện thoại giả lập. Nhưng các bạn lưu ý là khi triển khai phần mềm cho khách hàng sử dụng thì ta cần test cả trên điện thoại thật. Vậy làm sao có thể làm được điều này?

Trước tiên ta cần có điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, các hãng nổi tiếng thường là SamSung, HTC…. hoặc các bạn ra ngoài chợ mua 1 cái điện thoại Hồ Cẩm Đào giá 500k, xin khéo có khi được cho, dùng tạm OK.

Với bất kỳ điện thoại thật nào, muốn chạy phần mềm (Debug) từ Android Studio thì ta phải cấu hình USB Debugging. Tùy mỗi dòng máy, mỗi hãng mà chỗ này nó được bố trí khác nhau, tuy nhiên là dân công nghệ thì ta mò một hồi nó ra thôi, vì mò là nghề của dân công nghệ mà.

Dưới đây là Tui thao tác và chụp cách làm trên cái điện thoại thật cùi bắp của Tui, SAM SUNG thế hệ nồi đồng cối đá (bạn sài loại nào thì ráng mò ra, miễn làm sao thấy được chức năng Tui hướng dẫn là OK, và Tui chắc chắn là nó có nha, Tui không thể hướng dẫn hết các trường hợp được, nó tùy thuộc và kỹ năng mò của các bạn):

Bước 1: Vào setting

Bước 2: Vào About device

Bước 3: Vào Software info

Bước 4: Nhấn 5 lần liên tục vào Build Number

Sau khi nhấn 5 lần liên tục vào Build Number, điện thoại thật sẽ thông báo “You are now a developer”. Sau đó ta quay lại màn hình Setting thì thấy Developer options như hình bên dưới:

Bước 5: Cấu hình USB Debugging

Khi điện thoại thật của ta đã có Developer options, ta cần cấu hình USB debugging bởi vì điện thoại thường kết nối với máy tính thông qua sợi cáp USB, ngoài ra ta cũng có thể kết nối không giây. Giáo trình chỉ tập trung vào phần USB cab.

Bạn thấy cái USB debugging không? nhớ chọn nó nha.

Lúc này bạn cắm dây cable USB của Điện thoại vào Máy tính của bạn thì có thể chạy được phần mềm lên rồi nhé:

Bước 6: Chạy phần mềm từ Android Studio lên điện thoại thật:

Cắm USB, Xem Tui chụp hình điện thoại cùi bắp nối với Laptop của Tui nhé:

Lúc này trên phần mềm Android Studio sẽ thấy điện thoại thật của Tui:

Cụ thể là cái SAM SUNG, bạn chọn SAM SUNG-> Nhấn START để chạy–> Phần mềm “HelloWorld” sẽ được cài trên điện thoại thật.

bài học sau, Tui sẽ hướng dẫn các bạn cách dùng phần mềm Vysor để Ánh Xạ Điện thoại thật vào máy tính, giúp chúng ta dễ dàng thao tác lập trình, debug, trình chiếu…

Các bạn chú ý theo dõi nhé!

Chúc các bạn thành công

 

Bài 5. Cách chạy một dự án Android trên điện thoại giả lập

Như vậy ở bài 4 các bạn đã biết sử dụng Điện thoại giả lập rồi, ở bài này Chúng ta sẽ học cách chạy phần mềm thần thánh “HelloWorld” lên nó như thế nào???

Từ Toolbar của Android Studio:

  • Bước 1: Chọn thiết bị để ta chạy phần mềm lên (trong trường hợp này là cái điện thoại giả lập ta đang thao tác)
  • Bước 2: Nhấn biểu tượng Start để chạy phần mềm

Xem hình minh họa dưới đây:

Sau khi bấm Start, ta chờ Android Studio thực hiện (khá lâu nếu máy yếu), kết quả khi chạy thành công:

Quá trình chạy phần mềm lên thiết bị có thể được tóm tắt thành 6 bước:

  • Bước 1: Soạn thảo mã nguồn
  • Bước 2: Biên dịch thành .dex
  • Bước 3: Đóng gói thành .apk (là tập tin phần mềm chạy Android)
  • Bước 4: Upload .apk lên thiết bị
  • Bước 5: Cài đặt .apk vào vào thiết bị
  • Bước 6: Kích hoạt Activity được quy định chạy trước trong AndroidManifest

Bản chất tập tin .apk (tập tin phần mềm chạy Android) là một file nén, mọi thứ được đóng gói trong này:

Như vậy các bạn đã biết cách chạy một phần mềm trong Android Studio lên Điện thoại giả lập như thế nào. Bài tiếp theo Tui sẽ hướng dẫn các bạn cách thức chạy phần mềm trên điện thoại thật!

Các bạn chú ý theo dõi nhé

Chúc các bạn thành công

Bài 4. Cách Sử dụng Điện thoại giả Lập trong Android Studio

Như vậy ở bài 3 các bạn đã biết tạo một Điện thoại giả lập trong Android rồi. Bài này Tui chỉ sơ qua cách sử dụng một số tính năng thường dùng (lưu ý là điện thoại thật như thế nào thì điện thoại giả lập y xì như vậy):

Khi viết phần mềm Mobile, ta cũng thường có các phần mềm có giao diện nằm ngang, máy ảo cũng hỗ trợ xoay ngang màn hình cho chúng ta test (Nhấn vào xoay màn hình):

Với Sinh Viên, thường phải làm báo cáo đồ án, thường phải chụp lại màn hình, thì nhớ bấm vào biểu tượng chụp hình ở trên (không cần dùng công cụ nào khác) nó sẽ đẹp.

Bây giờ ta vào cấu hình mở rộng (nút … cuối cùng đó):

  • Location: Kiểm thử về định vị, ta có thể giả lập điện thoại di chuyển bất kỳ vị trí nào trong hệ trục kinh độ vĩ độ. Chức năng này được áp dụng rất nhiều trong Google Map, GPS.
  • Display: Chỉnh xem các cách thức hiển thị màn hình điện thoại
  • Cellular: Kiểm thử về sóng điện thoại.
  • Battery: Kiểm thử về pin điện thoại.
  • Phone: Kiểm thử về telephony như nghe, gọi, nhắn tin trong máy ảo.
  • Finger Print: Kiểm thử cảm biến vân tay.
  • Virtual sensors: Kiểm các loại cảm biến như: gia tốc, con quay hồi chuyển, ánh sáng, tiệm cận, áp suất,…
  • Help: Hướng dẫn các phím tắt sử dụng trong máy ảo.
  • … và nhiều tính năng khác

Việc sử dụng thành thạo các chức năng trong máy ảo giúp ích ta rất nhiều trong quá trình kiểm thử phần mềm và đặt biệt giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu rất nhiều vì ta không phải mua điện thoại thật mà vẫn có thể kiểm thử được phần mềm.

Các bạn thử 2 tính năng của điện thoại ảo sau nhé: Gọi điện thoại, nhắn tin. Nó hoạt động y chang điện thoại thật, có tính năng này chúng ta có thể test phần mềm mà không cần điện thoại thật, đỡ tốn tiền. Khi nào vào Công ty thì họ phát cho mỗi đứa 1 cái phone mà làm.

Ta vào mục Phone, nhập dữ liệu rồi nhấn “SEND MESSAGE”–> thấy kết quả nó gửi luôn qua điện thoại nha.

Ta có thể nhấn vào “CALL DEVICE” để gọi điện thoại.

Như vậy Tui đã trình bày sơ qua cách thức sử dụng Điện thoại giả lập, bài sau chúng ta sẽ chạy phần mềm “HelloWorld” thần thánh lên điện thoại giả lập này.

Các bạn chú ý theo dõi nhé

Chúc các bạn thành công.

Bài 3. Cách tạo Điện thoại giả Lập trong Android Studio

bài 2 các bạn đã biết cách tạo 1 Project trong Android Studio rồi. Nhưng làm thế nào để chạy được phần mềm này lên điện thoại? Đâu phải ai cũng có điện thoại đúng không? làm thế nào để không có điện thoại mà vẫn test phần mềm bình thường?

Bài này Tui sẽ hướng dẫn các bạn cách thức tạo một Điện thoại giả lập trong Android Studio để thay thế điện thoại thật. Giúp bạn tiết kiệm chi phí mà vẫn học được bình thường.

Và Lưu ý thêm, từ Android 5.0 thì máy tính phải hỗ trợ ảo hóa, do đó các bạn nhớ kích hoạt ảo hóa lên nhé. Thường các dòng máy mới thì nó có sẵn tính năng này, nhưng đôi khi nó vẫn chưa được kích hoạt lên trước nhé, tùy dòng máy là chuẩn BIOS hay chuẩn UEFI mà các bạn tìm chỗ chỉnh, xem bài này để kích hoạt ảo hóa.

Từ màn hình trong bài 2, ta chọn AVD Manager (có 2 cách):

  • Vào Menu Tools-> chọn AVD Manager
  • hoặc nhấn biểu tượng AVD Manager trên thanh toolbar

Lúc này màn hình Android Virtual Device Manager sẽ hiển thị ra như dưới đây:

Ở màn hình trên, bạn thấy Android Studio của Tui có sẵn 3 điện thoại giả lập (do Tui làm trước đó).

Của bạn thì không có gì nha vì chưa tạo bao giờ. Bạn sẽ nhấn vào nút “Create Virtual Device”, màn hình Virtual Device Configuration sẽ xuất hiện ra như dưới đây:

Trong mục Category chọn Phone

Trong danh sách điện thoại, lựa chọn Resolution vừa phải thôi, nó có rất nhiều chủng loại. Nhưng lưu ý là khi tạo máy ảo nó chiếm như máy thật trong Laptop. Nên Tui đề nghị các bạn chọn Nexus 4 (4.7″) cho nó nhẹ nhàng.

Sau đó nhấn Next, Android sẽ yêu cầu chọn System Image (là lựa chọn phiên bản Android SDK, OS version):

ở màn hình trên, Bạn thấy của Tui có version thì có chữ Download, có cái thì không. Cái nào không có chữ Download tức là đã tải thành công rồi, Cái nào có chữ Download kế bên tức là chưa tải gì cả. Của bạn thì thường là toàn bộ 100% có chữ Download kế bên do bạn chưa cài bao giờ.

Bạn chọn phiên bản rồi nhấn Download nhé, phiên bản nào cũng được miễn là >=26 (Cái Project HelloWorld đình đám của bạn chọn min là 26, và cũng là đề nghị của Google). Phần mềm của bạn chỉ có thể chạy được với các điện thoại có API >=26 trở lên.

Giả sử bây giờ Tui muốn dùng bản R, Tui sẽ bấm vào chữ Download:

Khi nhấn Download thì có ra màn hình SDK QuickFix installation:

Bạn thấy dung lượng khoảng hơn 1 GB. Ráng ngồi đợi cho nó tải xong nhé, khi nào xong ta sẽ thấy màn hình như dưới đây:

Bạn bấm Finish nhé, lúc này nó quay lại màn hình chọn System Image, và rõ ràng chữ Download thần thánh kế bên R đã ra đi không kèn không trống. Tới đây ta bắt đầu làm điện thoại ảo được rồi:

Ta chọn R -> rồi bấm Next.

AVD Name: Là tên của máy ảo, thích đặt tên gì cũng được.

Sau đó nhấn FINISH luôn nha

Lưu ý: Mới học thì đừng có tỏ vẻ nguy hiểm chỗ này, bên trong nó còn nhiều cấu hình khác như là RAM, SD card…. bằng cách nhấn vào Show Advanced Settings:

Các thông số ở đây nó y chang như điện thoại thật, bạn mà táy máy nâng nó lên thì ổ cứng của bạn sẽ bị sài hết nha.

Do đó cứ để mặc định ban đầu, nhấn FINISH luôn nghe không. Sau khi bấm FINISH, tên máy ảo này sẽ xuất hiện vào danh sách dưới đây:

Mỗi một máy ảo nó có các nút: Chạy, Sửa….:

Ta bấm vào biểu tượng hình Tam giác để chạy điện thoại nhé (lần đầu chạy hơi lâu nhé, ráng chờ):

Trước mặt chúng ta là 1 điện thoại giả lập nó y chang như điện thoại thật nha: Nó có thể nhắn tin, gọi điện thoại, kiểm tra Sensor, Google map…

Như vậy các bạn đã tạo được Điện thoại giả lập thành công, bài học sauTui sẽ trình bày sơ lược cách sử dụng máy ảo trước khi chúng ta chạy phần mềm “HelloWorld” thần thánh lên nó.

Các bạn chú ý theo dõi nhé

chúc các bạn thành công.

Bài 2. Cách tạo dự án trong Android Studio phiên bản năm 2020

bài 1 Tui đã hướng dẫn chi tiết cách tải và cài đặt Android Studio phiên bản năm 2020. ở bài này Tui  sẽ trình bày cách sử dụng nó bằng cách tạo một dự án siêu kinh điển “HelloWorld”, tuy nhiên trước khi tạo dự án thì ta cần Go Over qua một số chức năng quan trọng.

Khởi động phần mềm Android Studio phiên bản năm 2020 lên:

Ở màn hình trên ta thấy có tên phương bản và có các mục bên dưới:

Tên chức năng Ý nghĩa
Start a new Android Studio project Tạo một dự án mới
Open an existing Android Studio project Mở một dự án đã có, dự án này được viết bằng công cụ Android Studio
Get from Version Control Lấy Code từ server về, chắc hạn như: Github, TFS…
Profile or debug APK Kiểm tra đo lường, debug APK
Import Project (Gradle, eclipse ADT, etc.) Mở một dự án Android được viết bằng Gradle, Eclipse….
Import an Android code sample Mở một số code Android mẫu

Ở góc dưới cùng có nút “Configure”, nhấn vào nó:

 

Tên chức năng Ý nghĩa
AVD Manager

(quan trọng)

Quản lý thiết bị giả lập (điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh,…)

AVD: Android Virtual Device

SDK  Manager

(quan trọng)

Quản lý các phiên bản thư viện lập trình

SDK: Software Development Kit

Settings Cấu hình đủ loại: giao diện, màu mè
Plugins Cấu hình Plugins cho Android
Default Project Structer

(quan trọng)

Cấu hình Android SDK Location, Android NDK location, JDK location
Check for Updates

(quan trọng)

Cập nhật phiên bản mới
Và Các chức năng khác

Bản thân các chức năng này cũng được Android Studio bố trí trong màn hình của 1 Project (các chức năng Tui sẽ lần lượt hướng dẫn chi tiết khi có nhu cầu dùng). Google để ở đây là vì các cấu hình này thường ta chỉ làm 1 lần đầu tiên mà thôi, khi mọi thứ đã ổn rồi thì không cần vào đây phá phách làm gì, hư bột hư đường.

Việc cấu hình mấy chỗ này rất quan trọng, nếu làm sai thì không thể chạy được phần mềm (tuy nhiên nó chỉ xảy ra với các newBie thôi nhé). Nên để không rắc rối thì trong quá trình học, gặp lỗi nào Tui sẽ hướng dẫn cách khắc phục.

Bây giờ ta bắt đầu new 1 dự án Siêu kinh điển nhé “HelloWorld”:

Từ màn hình khởi động phần mềm Android Studio, ta nhấn vào “Start a new Android Studio project“, lúc này Android sẽ yêu cầu chúng ta chọn một dự án mẫu:

Trong này có rất nhiều Template dự án, mới học thì ta chọn loại “Empty Activity”, đừng cố tỏ vẻ nguy hiểm chọn mấy loại khác nha (không cần thiết), chúng ta lưu ý khi làm bất cứ việc gì thì điều quan trọng là phải làm đúng trước đã sau đó mới tới sáng tạo, tới đẹp. Còn ngay từ đầu chưa làm được gì mà đòi đẹp đòi sáng tạo thì thật là hi vọng điên cuồng, đi ngược lại nguyên lý triết học. Khi nắm được căn cơ rồi thì việc bung lụa sau này không còn là vấn đề:

Sau khi chọn “Empty Activity”, ta nhấn “Next” để tiếp tục, lúc này màn hình Cấu hình dự án sẽ xuất hiện ra như dưới đây:

Tên chức năng Ý nghĩa
Name Tên Dự án, nên đặt tên có ý nghĩa, nó phải súc tích và toát lên được ý nghĩa của dự án
Package name Package name rất quan trọng, nó được dùng để tải APK lên Google Play. Được xem như là ứng dụng. Nếu sản phẩm này viết cho ai thì nên đặt theo domain của người đó.

Ví dụ:

Khách hàng A có domain tranduythanh.com

Công ty B có domain: duythanhcse.wordpress.com

Công ty B viết dự án cho Khách hàng A, thì package nên đặt là tranduythanh.com (không đặt duythanhcse.wordpress.com) để sau này không xảy ra tranh chấp, cũng như khi đưa lên Google play thì phải lấy theo các tài khoản của A. Vì với bản Mobile nếu ta chỉ có mỗi Coding cũng chả làm gì được, nó còn các file xác thực nữa (đội IT của bên A phải  chủ động tư vấn)

Save location Nơi lưu trữ dự án
Language Chọn Java (nó có Kotlin) nhưng Tui trình bày Java
Minimum SDK Chọn tối thiểu là 26

Bây giờ ta đặt các thông số giống như màn hình Tui chụp và sau đó nhấn nút “FINISH“, ráng chờ nha:

ở màn hình trên là Android Studio đang trong quá trình tạo dự án, bạn đừng có manh động, chờ , chờ … tùy vào độ cùi bắp của máy tính chúng ta mà chờ lâu hay mau:

Bạn chờ cho tới khi nó ra được màn hình như trên là đã hoàn tất quá trình tạo một dự án Trong Android Studio rồi đó.

Chúng ta lưu ý, trong Android: Mỗi màn hình nó sẽ có 2 thành phần:

  • Giao diện (XML) -> mở thư mục res -> layout.
  • Xử lý code (Java, kotlin, python, C++…)

Như vậy chúng ta đã hoàn thành xong bài học Tạo một dự án trong Android Studio

Bài học sau Tui sẽ hướng dẫn các bạn cách tạo Máy Ảo để chạy phần mềm HelloWorld này lên thiết bị

Các bạn chú ý theo dõi nhé

Các các bạn thành công

Bài 1. Cách cài đặt Android Studio phiên bản năm 2020

Đăng ký học lập trình qua LiveStream tại đây: https://duythanhcse.wordpress.com/hoc-qua-livestream/

Với sự thay đổi như vũ bão của công cụ lập trình Android Studio, năm 2020 Tui tranh thủ viết bổ sung thêm một số tính năng hữu ích trong phiên bản mới này.


Chuỗi các bài học sẽ được cập nhật trong “Lập trình Android – 2020
Bài đầu tiên trong chuỗi các hướng dẫn là Cách cài đặt và sử dụng Android Studio phiên bản năm 2020

Lập trình được Android, laptop của bạn phải trâu 1 xíu:

  • RAM tối thiểu 8GB
  • ổ cứng nhiều, ưu tiên SSD
  • hỗ trợ ảo hóa
  • win 10, 64

Nói chung 1 đứa con nhà nghèo và 1 đứa con nhà giàu, 2 đứa này tính cánh và năng lực giống nhau thì đứa con nhà giàu sẽ học tốt hơn vì nó có điều kiện hơn.

Học là sự đầu tư có lãi trong tương lai, ráng đầu tư để có công cụ hỗ trợ chúng ta lập trình tốt hơn.

Bước trước tiên, ta cần tải Android Studio phiên bản mới nhất tại đây:

https://developer.android.com/studio

Nhấn vào “DOWNLOAD ANDROID STUDIO”, ở trên thấy là 3.6.2 (và không quan trọng, bao nhiêu kệ nó):

Màn hình trên hiện ra, check vào “I have read and agree with the above terms and conditions”

Sau đó bấm “DOWNLOAD ANDROID STUDIO FOR WINDOWS”. Máy bạn là MAC , LINUX thì cũng tương tự.

Bấm save để tải về, tùy tốc độ mà lâu hay mau, đợi chỗ này nó tải cho xong.

Sau khi tải xong thì bắt đầu cài đặt.

Trước khi cài đặt thì nên tạo 1 thư mục Android trong ổ C, ví dụ:

Khi cài đặt sẽ có 2 thành phần mà ta nên cài vào bên trong thư mục Android, đó là:

  • android-studio->công cụ lập trình
  • sdk->các thư viện để hỗ trợ lập trình

Bây giờ double click vào file cài mới tải ở trên về để cài đặt:

Nhấn Next để tiếp tục:

Để mặc định như trên rồi tiếp tục nhấn Next:

Ở màn hình trên lưu ý cài vào thư mục C:\Android\android-studio

Sau đó nhấn Next để tiếp tục:

Sau đó nhấn “Install” để bắt đầu cài đặt

Ngồi chờ xíu cho nó cài đặt, khi cài đặt xong sẽ có thông báo như dưới đây:

Nếu như trước đó đã làm làm Android thì dĩ nhiên có SDK sẵn và phần mềm không yêu cầu gì thêm cả, nếu chưa bao giờ cài thì sẽ tiếp tục được yêu cầu cài SDK:

Chương trình sẽ báo Missing SDK, ta tiếp tục nhấn Next

Lưu ý Android SDK Location ta chọn đúng nơi mà ta đã tạo thư mục trước đó: C:\Android\sdk

Sau đó nhấn Next để tiếp tục. Màn hình Verify Settings sẽ xuất hiện như dưới đây:

Nhấn FINISH để cài, màn hình Downloading Components sẽ hiển thị như dưới đây, chờ:

Chờ cho tới khi nó báo hoàn tất:

Nhấn Finish để hoàn tất quá trình cài đặt SDK

lúc này phần mềm Android Studio sẽ xuất hiện như dưới đây:

Nếu Android Studio yêu cầu chọn một số Setup Wizard, ví dụ như xuất hiện các màn hình dưới đây:

Ta bấm Next:

Chọn Standard rồi nhấn Next

Chọn giao diện là Light cho nó sáng sủa sau đó nhấn next để hoàn tất-> lúc này ra cái màn hình Android studio bình thường.

Dưới đây là một số hình ảnh khi cài đặt Android Studio hoàn tất:

Nhớ:

android-studio->là công cụ lập trình

sdk->là các thư viện lập trình

Dưới đây là hình chụp android-studio:

Ta có thể chạy công cụ lập trình có tên “studio64.exe”, hoặc đưa ra desktop để chạy cho lẹ

Còn đây là SDK:

platforms-> là nơi chứa các API của từng phiên bản Android

plarform-tools->các công cụ liên quan, trong đó có adb.exe rất quan trọng để chạy Android.

Chi tiết sẽ trình bày ở trong các bài học tiếp theo.

Bài tiếp theo Tui sẽ hướng dẫn cách sử dụng Công cụ Android Studio bằng cách tạo 1 Project đơn giản.

Chúc các bạn cài đặt thành công