Hồi chuẩn bị có Con, Tui thường xí xớn đọc nhiều cuốn sách về dạy con sao cho Khoa học, dạy sao cho đúng với văn minh của loài người hiện tại, dạy con sao cho nó bằng chị bằng em ở các nước tiên tiến, dạy sao cho Bố Mẹ không mệt khi cho Con ăn cơm…. xí xớn kiểu như vậy đó, nhiều cuốn sách đọc rất hay, rất có ích khi đi chém gió.
Nhưng thực tế nó phũ phàng là nếu không có Bà Ngoại, thì có mà há mồm ra. Chưa bị Bà Ngoại chọi cuốn sách vào đầu là may, bày đặt đọc sách lung tung.
Nhiều người thường nói “ngày xưa tui nuôi cả chục đứa vẫn khỏe phây phây. Giờ có 2 đứa mà chăm không nổi”.
Những năm thập niên 90, Tui còn nhớ như ngày hôm qua. Mỗi lần dọn cơm ra, Mẹ Tui chỉ nói “ăn lẹ tao còn đi làm”, thế là 4 đứa nhà Tui ăn rào rào, Mẹ Tui hay nói là “Tụi nó ăn cơm như tằm ăn rỗi”. “ăn rỗi” là cách nói khác của “tằm ăn 5”, “tằm ăn 5 ” là lúc tằm được “5 tuổi” (tuổi không phải tính theo năm, tuổi tính theo chu kỳ ngủ), cái tuổi chuẩn bị chín để làm tổ kén. tuổi này tằm ăn thì bá cháy lá dâu. Nhà Tui chuyên nuôi tằm mà, nuôi tằm cực lắm, vậy mới có câu “Nuôi bát giới ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là vậy.
(Mẹ Tui rất nóng tính và hay cáu gắt, tới giờ vẫn còn vậy và nó thâm căn cố đế hơn, nói câu trước không nghe là câu thứ 2 ăn gốc cà phê liền. Nhưng Tui không bao giờ trách, vì lúc Bố Tui mất, 1 mình Mẹ Tui phải nuôi 4 đứa nheo nhóc, tuần 49 ngày nhà bị sập không có nhà mà ở nữa, vừa là 1 người Mẹ, vừa là 1 người Bố. Nên cuộc sống cơ cực, cơ cực thì hay nóng giận và hay tự ái vặt lắm vì quá nghèo, thường nghèo hay tự ái, mà tự ái thì hay nghèo). Tui sống và trưởng thành tới ngày hôm nay đúng là nhờ bàn tay thép của Mẹ Tui, nên Tui bị ảnh hưởng nặng nề cái tính cáu gắt xấu xa ấy. May mà Tui thoát ly được xuống Sài Gòn, cũng ngót ngét 20 năm, nên đã đổi tính dần dần theo hướng mềm mại và vị tha hơn. Nhưng Tui vẫn nhớ những ngày ấy lắm, đặc biệt nhớ đôi bàn tay của Mẹ Tui đi làm nhiều nó chai sạn tới mức hình thành vảy trong bàn tay, những lúc Mẹ Tui tủi thân khóc rồi lại vuốt 2 má của Tui, Tui cảm giác máu chảy luôn vì đôi bàn tay chai sạn ấy. Ôi! Đôi bàn tay của Mẹ thật là vĩ đại biết bao!
Với hồi đó, Cơm thì có 1 ít thôi, còn toàn là độn khoai mì, khoai lang, rồi ngô…. đứa nào mà ăn chậm thì đói thí bà nội ra chứ ở đó mà chờ đút. Với lại thời xưa con nít đi ngoài đường thì người lạ thấy còn phải né vì lỡ đem về sẽ nuôi tốn cơm. Nên ngày xưa hầu như mọi người chả quan tâm nhiều lắm tới các mối nguy hại.
Mẹ Tui cứ dựa vào thời xưa mà nói kiểu “Đấy, 1 mình tao nuôi 4 đứa bây, đứa 3 tuổi, đứa 5 tuổi, đứa 7 tuổi” có phải lo lắng gì đâu.
Nhưng bây giờ, thử ngon để Con nít ra ngoài đường đi, 30 giây là mất Con luôn.
Các sách vở đọc nó rất hay, rất bổ ích, Tui phải công nhận, nhưng nó rất khó áp dụng với môi trường thực tế ở nước ta. kể cả các phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến cũng vậy. Học để biết họ tới đâu là giỏi lắm rồi, còn áp dụng thì phải có sự cải biến và nên thử trên các mẫu nhỏ nhất định, không nên áp dụng tràn lan, không thể úp cái rụp được. Văn hóa, lịch sử, nền tảng các nước phát triển họ khác, mình không thể áp dụng một cách máy móc được.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhưng đừng có lấy cái sàng đó úp vào đầu người khác mà cứ nói nó hay, vì tư tưởng và nội lực mỗi người mỗi khác, mình thấy hay thấy khôn nhưng với người khác nó lại dở.
——————————————–
16.03.2022
Đọc sách nhưng hãy chọn lọc khi áp dụng